Lựa chọn chính sách thời Covid-19

LỰA CHỌN CHÍNH SÁCH THỜI COVID-19

Trần Hùng Sơn

Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế Luật

....
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, câu hỏi đặt ra liệu Việt Nam có nên thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hay không? Theo chúng tôi, việc hạ các lãi suất điều hành tại Việt Nam hiện nay chủ yếu để hỗ trợ thêm thanh khoản cho hệ thống. Hơn nữa, khả năng giảm lãi suất tại Việt Nam là không nhiều vì tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 0,06% trong 2 tháng đầu năm, giảm mạnh so với mức 1% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Vì thế, việc kiểm soát lạm phát nên là mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, bài học từ chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế năm 2009-2010 vẫn còn nguyên giá trị khi mà ở các năm sau đó lạm phát tại Việt Nam tăng cao ở mức hai con số cùng với đó là bong bóng giá trên thị trường tài sản và gánh nặng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Như đã thảo luận ở trên, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cũng cần xem xét khả năng suy giảm của tổng cầu trong tương lai vì sự suy giảm này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người dân.

Hơn nữa, trong bối cảnh mức nợ của doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở mức khá cao, điều này có thể dẫn đến việc phá sản hàng loạt của doanh nghiệp. Theo thống kê từ sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu chung của toàn bộ doanh nghiệp là 2,5 lần. Đồng thời, mức nợ của hộ gia đình tại Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng nhanh với mức bình quân là 28,58%/năm, từ mức 12% GDP trong những năm 2000 lên đến 47% GDP vào năm 2016 (Le và cộng sự, 2016)**. Điều này sẽ càng khuếch đại những tác động của việc tổn thất thu nhập đến tiêu dùng.

Với những tác động đối nghịch như trên, theo chúng tôi một sự lựa chọn phù hợp là chờ đợi xem lạm phát tăng (từ cú sốc cung vượt trội) hay lạm phát giảm (do cú sốc cầu chi phối). Lợi ích của việc chờ đợi là sẽ không làm gia tăng lạm phát với chi phí thấp nhất và các nhà hoạch định chính sách vẫn có thời gian để can thiệp và chống lại sự suy giảm tổng cầu.

Thực tế chính phủ cũng đã bắt đầu triển khai các gói tài khóa như chuyển đổi 3 trong số 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP của dự án đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công (trị giá 33.610 tỷ đồng), kiến nghị Quốc hội quyết định để khởi công trong tháng 8/2020. Động thái này cho thấy chính phủ kỳ vọng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng đang được triển khai nhằm hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Cuối cùng, các kích thích tài khóa cũng nên được xem xét trong tương lai để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.

(**) https://www.seacen.org/…/2…/RP102/8-VietnamHouseholddebt.pdf

Bài viết đầy đủ đã đăng trên Báo Đầu tư ngày 20/3/2020.