Ấn phẩm “Báo cáo Kinh tế vĩ mô thành phố Hồ Chí Minh tháng 6.2022”

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT CÔNG BỐ "BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THÁNG 6.2022"

Ngày 30.6.2022, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do TS. Phạm Thị Thanh Xuân chủ trì đã công bố ấn phẩm “Báo cáo Kinh tế vĩ mô thành phố Hồ Chí Minh tháng 6.2022”. Ấn phẩm này là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu về kinh tế thành phố, trước, trong và hậu dịch Covid-19. Nội dung ấn phẩm tập trung vào việc phân tích sâu những tiêu điểm trong quá trình phục hồi của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 6 tháng đầu năm 2022; và đưa ra những nhận định về khả năng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm trong bối cảnh thành phố đang phải đối mặt với các thách thức dai dẳng và tầm nhìn dài hạn để có thể đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ nhất, kinh tế thành phố trong 6 tháng đầu năm gần hoàn thành pha hồi phục. Một số lĩnh vực đã chạm và thậm chí vượt đỉnh của chu kỳ tăng trưởng cao từng có trước dịch. Cụ thể, khu vực thương mại dịch vụ đạt 98% so với cùng kỳ 2019, gần tương đương mức ổn định như trước dịch Covid-19. Xuất khẩu của thành phố liên tục lập đỉnh tăng trưởng mới, một phần nhờ tăng tốc xuất khẩu nông thủy sản dù vẫn phụ thuộc rất lớn vào hai thị trường nhạy cảm là Trung Quốc và Mỹ. Sản xuất công nghiệp dù đã phục hồi cơ bản nhưng vẫn chưa trở lại đà tăng trưởng cao như trước dịch Covid-19, các sản phẩm chủ lực gồm điện tử, máy vi tính, dệt may… vẫn chỉ phục hồi được khoảng 93% so với trước. Thu hút vốn FDI tuy có sự sụt giảm nhưng bắt đầu có sự chuyển dịch như kỳ vọng khi chuyển dần từ khai thác lợi thế so sánh sang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Thu ngân sách thành phố vẫn trong vùng an toàn với tổng thu 6 tháng đầu năm ước đạt 61,74% dự toán năm và dự kiến sẽ tiếp tục an toàn. Theo cơ cấu này, nền kinh tế hồi phục đến đâu thì thu ngân sách sẽ cải thiện theo đó mặc dù vẫn còn chịu áp lực lớn về nợ thuế gia tăng.

Thứ hai, định hướng của thành phố trong 6 tháng cuối năm 2022 nên tập trung nhiều hơn vào “kích thích phát triển” thay vì “hỗ trợ phục hồi” để phù hợp với sự vận động của nền kinh tế. Trước áp lực lạm phát ngày càng tăng, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của thành phố sẽ tiếp tục khả quan nhờ phần lớn các yếu tố quyết định đang cải thiện rất tích cực, bao gồm dòng vốn được hấp thụ và dự kiến sẽ phát huy tác tích cực; tổng cầu trong nền kinh tế vẫn tiếp tục đà cải thiện với sức mua trên thị trường gia tăng; cung lao động đang ổn định và tăng dần đáp ứng nhu cầu của khu vực sản xuất; lạm phát trên các thị trường quốc tế đang xuất hiện tín hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với thành phố hiện nay là làm sao duy trì được sự tăng trưởng đang nhanh này một cách bền vững trong các tháng còn lại của năm. Bởi thành phố chưa thể chủ động ứng phó khi vẫn chưa có được bộ bộ nguyên tắc ứng xử trong trường hợp có các cú sốc, nhất là khi cần đối diện với rủi ro để phát triển bởi nguồn lực cho phát triển hiện đều đang ở điểm ngưỡng, giới hạn. Do đó, việc tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp “kích thích” là cần thiết ngay trong vùng nguy cơ của lạm phát nhưng trong ngắn hạn nên tránh các điểm yếu cố hữu của nền kinh tế và nên hướng vào cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện hữu. Ngoài ra, liên tục thích ứng với các luật chung của đối tác toàn cầu cũng là cách giúp duy trì phát triển bền vững, tận dụng không gian và nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao hơn nữa nội lực thành phố.

Thứ ba, thành phố vẫn đang đối mặt các thách thức dai dẳng dù động lực phát triển của thành phố đang bắt đà tăng mạnh nhưng nguồn lực phát triển bị nghẽn từ nhiều phía. Cụ thể, vấn đề trần nợ công sát trần, room nợ công càng hẹp; các khoản thu đặc thù từ cơ chế “54” chưa kịp thực hiện nhưng thời hạn đã gần hết; chương trình hỗ trợ phát triển theo QĐ 132 còn khá khái quát, khó hiện thực hóa ngay trong ngắn hạn; các gói kích thích kinh tế của Quốc gia vẫn chưa được hấp thụ vào nền kinh tế; tốc độ cải thiện hạ tầng chậm do nghẽn mãn tính ở đầu tư công; nội lực từ cải cách thể chế còn mỏng và chịu vướng hệ thống, dẫn đến nhiều hệ lụy và rào cản cho phát triển.

Thứ tư, khởi động đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững về hợp tác quốc tế với tầm nhìn dài hạn, thành phố nên chuyển dịch dần về nền kinh tế xanh. Thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái startup cũng đã chỉ ra những tiềm năng khả quan, hứa hẹn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế thành phố, là tiền đề giảm áp lực phụ thuộc vào khu vực FDI và thị trường quốc tế theo định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM cũng sẽ giúp sớm giải bài toán vốn cho kinh tế thành phố và cả nước.