Lắng nghe người dân hiến kế: Thúc đẩy khởi nghiệp trong công nghệ tài chính

Lắng nghe người dân hiến kế: Thúc đẩy khởi nghiệp trong công nghệ tài chính

Trong các công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam, khoảng 70% là công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech sẽ phục vụ cho phát triển trung tâm tài chính của TP HCM

 

Từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) của cả nước. Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16/BCT năm 2012. Đến nay, TP HCM bắt đầu lại kế hoạch này thông qua văn bản kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại TP HCM là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia; được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

 

Phát triển cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech

 

Theo báo cáo GFH (năm 2018), có 7 trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) quốc tế và 23 trung tâm Fintech khu vực, trong đó Trung Quốc có 4 trung tâm Fintech quốc tế và 6 trung tâm Fintech khu vực. Báo cáo này cũng xếp TP HCM vào trong danh sách 25 trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub) của thế giới.

 

Ngoài ra, theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM, trong số các công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Chính vì thế, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech cũng sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển TTTC của TP HCM.

 

Để phát triển cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, TP HCM cần tập trung vào các vấn đề sau:

 

Xây dựng một cơ sở dành riêng cho các công ty khởi nghiệp Fintech và cộng đồng. Level 39 tại London là một ví dụ để thu hút cộng đồng khởi nghiệp Fintech cùng với các công ty lâu đời có danh tiếng trong ngành. Hiện tại, TP HCM có thể cân nhắc xây dựng ngôi nhà chung này tại phía Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức). Điều quan trọng là không nên giao không gian làm việc chung này cho những bên muốn tối đa hóa doanh thu cho thuê của mình, mà thay vào đó là một bên muốn tối đa hóa giá trị cho cộng đồng Fintech. Ngoài ra, TP HCM cần tiên phong trở thành nơi thực hiện các hoạt động trong khung quản lý thử nghiệm đối với lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

 

Thu hút sự tham gia tích cực của các công ty thành danh trong lĩnh vực tài chính. New York là một ví dụ điển hình, tại đây có 5 chương trình xúc tiến khởi nghiệp trong Fintech được vận hành bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính lớn như Barclays và MasterCard hoặc bởi một nhóm các ngân hàng (như Startupbootcamp Fintech và Fintech Innovation Lab). Các công ty này rất cởi mở với các đổi mới, sẵn sàng chỉ dẫn và cố vấn cho các công ty khởi nghiệp. Tại Việt Nam, một số công ty lớn cũng đã có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, do đó, điều quan trọng là tìm nguồn tài trợ từ những công ty này, đây chính là những người có tầm nhìn dài hạn và có thể nhìn thấy giá trị chiến lược cho chính họ cũng như toàn bộ cộng đồng Fintech.

 

Tạo điều kiện để các công ty khởi nghiệp tiếp xúc với các cá nhân/doanh nghiệp thành công trong khởi nghiệp (mentor). Một thành phần quan trọng trong giai đoạn khởi nghiệp là sự hỗ trợ của các cố vấn, đây là các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia trong ngành. Do đó, xây dựng một nhóm các cố vấn chất lượng, những người sẵn sàng hỗ trợ các công ty mới khởi nghiệp với kinh nghiệm và mối quan hệ của họ. Kinh nghiệm quốc tế cho việc này là cần tìm các cố vấn sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng miễn phí.

 

Tiếp cận nguồn tài trợ là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ sinh thái Fintech thịnh vượng, vì các công ty khởi nghiệp cần vốn rủi ro để tồn tại, phát triển và tăng trưởng. Các nguồn tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đã có nhưng vẫn cần phải cải thiện như hoàn thiện luật pháp về đầu tư mạo hiểm để biến Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, thành một nơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư và khởi nghiệp Fintech. Nếu thu hút được vốn đầu tư cho Fintech từ các định chế tài chính quốc tế lớn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Ngoài ra, TP HCM có thể xem xét thiết lập một cơ chế quỹ đồng đầu tư 1:1 (đầu tư của Chính phủ và đầu tư của tư nhân) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực Fintech - tương tự như kinh nghiệm của Singapore.

 

TP HCM được xếp vào trong danh sách 25 trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub) của thế giới.

Ảnh: Tấn Thạnh

 

Một phần của kế hoạch phát triển TTTC

 

Để triển khai những giải pháp này, trước hết, lãnh đạo TP HCM cần xác định định hướng thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech là một phần của kế hoạch phát triển TTTC. Lãnh đạo TP HCM nên tham gia vào các sự kiện Fintech địa phương, khu vực và toàn cầu, tương tự như những gì mà cựu thị trưởng London - Boris Johnson đã làm.

 

Ngoài ra, khu vực công không nên điều hành các hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp mà nên để tư nhân điều hành để tránh các hoạt động này trở thành một chương trình nghị sự chính trị. Tương tự, nên có sự kết hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong việc đóng góp kinh phí cho các dự án phát triển hệ sinh thái được tài trợ bởi các chủ thể tư nhân để giúp kích thích các hoạt động phát triển hệ sinh thái, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP HCM.

Thu hút lao động trình độ cao quốc tế. Hiện nay, hệ sinh thái Fintech đang hoạt động ở quy mô toàn cầu. Nếu TP HCM muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực này thì cần thu hút lao động trình độ cao từ nước ngoài, những người vừa có thể mang đến những kỹ năng mới và cả những ý tưởng mới, sự đa dạng và quan trọng cho sự phát triển Fintech của TP.

 

Xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech. Xây dựng một trang web để quảng bá TP HCM như một trung tâm Fintech tại địa phương, khu vực và toàn cầu. Trang web sẽ đóng vai trò là cửa ngõ cho những ai quan tâm đến Fintech tại TP HCM, gồm những nội dung: Hệ sinh thái Fintech của TP; thông tin về các trường hợp khởi nghiệp thành công; lịch trình các hoạt động, sự kiện; tin tức; các nghiên cứu; địa điểm gặp gỡ của những người lần đầu khởi nghiệp

 

Ngoài ra, các trang mạng xã hội cũng nên được sử dụng cho các hoạt động quảng bá. Tổ chức các hội nghị hàng đầu về Fintech tại TP HCM để xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech của TP. Để làm điều này, TP HCM nên đặt ra mục tiêu tổ chức ít nhất 1 sự kiện này trong năm. Đây là một phương thức hiệu quả để thu hút cộng đồng Fintech toàn cầu.

 

 

Cuộc thi lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 tập trung vào 3 chủ đề chính.

Chủ đề "Đô thị thông minh" xoay quanh việc thực hiện đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Đây là một đề án quan trọng mà TP HCM đã dành nhiều nguồn lực thực hiện hơn 2 năm qua bằng quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp từ TP đến cơ sở. Vì vậy, các cơ quan liên quan đang rất cần sự đóng góp trí tuệ được chắt lọc từ thực tiễn, kinh nghiệm bản thân của những người am hiểu, nhằm thực hiện tốt đề án để phục vụ người dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Chủ đề "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM" tập trung các ý tưởng hiến kế cho chính sách của TP HCM liên quan đến khởi nghiệp, hỗ trợ sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vươn xa tạo tiếng vang trên trường quốc tế, mỗi khi nhắc đến thương hiệu này là thế giới nghĩ ngay đến TP HCM.

Chủ đề "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM" tập trung các ý kiến góp ý liên quan đến vấn đề môi trường; ứng xử nơi công cộng; cách thức xây dựng bộ mặt đô thị; nâng chất vùng trũng văn hóa và đặc biệt là tạo ra "bản sắc văn hóa đô thị TP HCM"..., tác động đến mục tiêu "Đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị" trong năm 2020 của TP HCM.

Các tác phẩm hiến kế gửi về Báo Người Lao Động (có thể là góp ý, ý tưởng, mô hình, giải pháp) phải đáp ứng các tiêu chí sau: Có nội dung và đúng chủ đề; mới, sáng tạo, độc đáo; nêu được giải pháp cụ thể, thiết thực, gần gũi với đời sống; có thể triển khai ứng dụng vào thực tiễn; là những bài viết, ý tưởng chưa được gửi đăng trên bất kỳ báo, tạp chí nào.

Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: số 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.

Tổng giải thưởng cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 là 120 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.



TS Trần Hùng Sơn (Trường Đại học Kinh tế - Luật)

https://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-thuc-day-khoi-nghiep-trong-cong-nghe-tai-chinh-20200824201748047.htm?fbclid=IwAR0siQnb6vDE42ImefFPPpOqy__yuzVEUxYo-ARxC_KQ7J2IGYrbl2sbOys