Chính sách hậu đại dịch cho một số ngành ở Việt Nam

Chính sách hậu đại dịch cho một số ngành  Việt Nam

 

Trần Hùng Sơn - Hồ Hữu Tín (*)

 

(KTSG) – Khi Việt Nam đang tìm cách phục hồi nền kinh tế của mình, ngoài việc hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thì việc đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới cũng rất quan trọng.

Chính sách hậu đại dịch cho một số ngành ở Việt Nam
Dệt may là ngành có lợi thế so sánh trên thế giới do chi phí lao động tương đối thấp. Ảnh: THÀNH HOA

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế của Việt Nam. Các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới đã làm suy giảm tổng cầu cả trong nước và bên ngoài trong các lĩnh vực bán lẻ, lưu trú và dịch vụ ăn uống. Đại dịch đòi hỏi phải có các cải cách cơ cấu để hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững.

Hiện tại, Việt Nam có một số ngành có lợi thế so sánh trên thế giới, tuy nhiên cần phải có các chuyển đổi hoặc cải thiện như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, gỗ và sản phẩm gỗ… và một số ngành đang phát triển có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai như điện tử và thương mại số.

Trong đó, điện tử là ngành tạo ra số việc làm lớn thứ ba tại Việt Nam sau ngành dệt may và da giày, là ngành có lợi thế so sánh cao, lợi nhuận trước thuế/đơn vị lao động cao gấp đôi ngành thực phẩm và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây. Còn thương mại số là một trong những ngành có tác động đến sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Bài viết này sẽ trình bày một số chính sách hậu đại dịch đối với các ngành tạo ra nhiều lao động và có kim ngạch xuất khẩu cao như dệt may, điện tử và ngành có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam là thương mại số.

Ngành dệt may

Đại dịch đòi hỏi phải có các cải cách cơ cấu để hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững.

Dệt may của Việt Nam là ngành có lợi thế so sánh trên thế giới do chi phí lao động tương đối thấp, vị trí chiến lược, được hưởng ưu đãi từ một số thị trường và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Tuy nhiên, ngành dệt may của Việt Nam gặp các thách thức trước đại dịch như sau: vẫn tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp; phụ thuộc vào một số nhà cung cấp nguyên liệu chính; chi phí lao động có khuynh hướng tăng; năng suất lao động thấp; lao động dần bị thay thế do tự động hóa.

Khi đại dịch xảy ra, các thách thức mà ngành dệt may gặp phải bao gồm: đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp nguyên liệu chính; sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm dệt may lâu bền; gia tăng sự mất cân đối trong ngành, thiếu các hỗ trợ cho người lao động dễ bị tổn thương do dịch.

Các chính sách hậu đại dịch cần tập trung như sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất rất quan trọng để duy trì tiềm năng tăng trưởng của ngành:

– Rà soát các chính sách hạn chế tăng trưởng như thuế đối với nguyên liệu sản xuất xuất khẩu và thủ tục cấp phép xuất khẩu để giảm chi phí sản xuất;

– Xây dựng mới các chương trình dạy nghề và tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn;

– Thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ trong ngành.

Thứ hai, mở rộng thị trường. Hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào các thị trường châu Âu và Mỹ. Khi các ưu đãi từ các thị trường này không còn thì ngành dệt may sẽ gặp rủi ro. Do đó, cần khác biệt hóa sản phẩm và sản xuất hàng may mặc có giá trị gia tăng cao hơn để duy trì sức hấp dẫn. Chính phủ nên hỗ trợ nhằm khuyến khích các công ty chuyển sang sản xuất các sản phẩm phức tạp và có giá trị cao hơn.

Thứ ba, nâng cao khả năng chống chọi của ngành. Cải thiện năng suất và áp dụng công nghệ sản xuất tốt hơn có thể tăng cường khả năng chống chọi của ngành đối với những cú sốc về nhu cầu trong tương lai. Chính phủ hỗ trợ cung cấp nguồn tài trợ mua sắm máy móc, nâng cao trình độ lao động và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển kỹ thuật sản xuất có nhiều giá trị gia tăng. Cuối cùng, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất hàng may mặc, để tiết kiệm nguyên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh linh hoạt hơn. Chính phủ hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển vào các công nghệ mới và ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng tính linh hoạt của các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ đòi hỏi người lao động có nhiều kỹ năng để có thể chuyển giao.

Điện tử

Những thách thức về cấu trúc mà ngành điện tử Việt Nam đang gặp phải đó là: thiếu sự đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng điện tử; tập trung vào các sản phẩm và quy trình có giá trị gia tăng thấp; sự thay đổi của công nghệ và xu hướng tiêu dùng; đại dịch làm đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến việc sản xuất bị ảnh hưởng.

Đại dịch đã thay đổi cách làm việc và sinh hoạt của người tiêu dùng do đó có thể làm thay đổi cầu về các linh kiện điện tử được sản xuất ở Việt Nam nói riêng và ở khu vực ASEAN nói chung. Do đó để tăng khả năng cạnh tranh của ngành điện tử Việt Nam, các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, duy trì sức cạnh tranh, chuyển sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Việt Nam cũng cần ưu tiên nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lao động trong ngành công nghiệp điện tử, chẳng hạn như thông qua hợp tác với các bên liên quan trong khu vực tư nhân và các cơ sở đào tạo. Thúc đẩy việc áp dụng công nghệ mới vào ngành công nghiệp điện tử để tăng năng suất lao động và khuyến khích việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp trong nước.

Thương mại số

Lĩnh vực thương mại số được xem là có khả năng chống chọi với đại dịch tốt hơn so với các lĩnh vực khác. Các thách thức đối với lĩnh vực thương mại số tại Việt Nam bao gồm: rủi ro tự động hóa làm giảm nhân lực; các hạn chế của việc kết nối mạng; mức độ số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp; các chính sách thuế và các quy định pháp lý chưa rõ ràng.

Các khuyến nghị để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại số, bao gồm:

– Lĩnh vực thương mại số tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và thuê ngoài quy trình kinh doanh (IT-BPO). Do đó việc xây dựng lộ trình phát triển ngành IT-BPO sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại số.

– Tăng cường khả năng kết nối thông qua việc đầu tư của Nhà nước để mở rộng cơ sở hạ tầng mạng, từ đó khuyến khích đầu tư tư nhân. Việc đầu tư hạ tầng mạng là cần thiết để thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo.

– Xây dựng các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc giúp các lĩnh vực truyền thống chuyển đổi số sẽ không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mà còn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam.

– Việt Nam cần tham gia tích cực hơn sáng kiến quản lý dữ liệu trong Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 trong ASEAN, nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các yêu cầu về quy định dữ liệu trong ASEAN, đồng thời xác định các lĩnh vực để thúc đẩy hiệu quả và điều phối.

Tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi và tăng cường cơ sở hạ tầng sẽ góp phần đạt được mục tiêu tăng đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới. Với quá trình chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng cho nền kinh tế hậu đại dịch, việc đầu tư vào các kỹ năng số sẽ cần thiết cho quá trình này. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

https://thesaigontimes.vn/chinh-sach-hau-dai-dich-cho-mot-so-nganh-o-viet-nam/?fbclid=IwAR11DK1lmEbUXxBF5I2XlEmQpSrQ8c2MoRcakGxxKBRrt10wgd6Pid3SqzI