(KTSG) – Từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước và nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16/BCT năm 2012. TPHCM đã bắt đầu lại kế hoạch này thông qua văn bản kiến nghị Chính phủ xem mục tiêu phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia. Nhưng tình hình hiện nay đã rất khác so với 20 năm trước.
Tại sao phát triển trung tâm công nghệ tài chính?
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, FinTech – công nghệ tài chính đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính bằng cách thúc đẩy các dịch vụ và sản phẩm tài chính phát triển đột phá, như cách mà các công nghệ số đã định hình lại các ngành công nghiệp khác như xuất bản, âm nhạc, du lịch và taxi.
Đồng thời, các đổi mới FinTech cũng tạo ra sự dịch chuyển các công việc từ dịch vụ tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số mới nhanh chóng và trở thành một nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời. Mặt khác, bản thân các trung tâm tài chính quốc tế lâu đời cũng đã chuyển đổi trước sự xuất hiện của FinTech.
Theo báo cáo Global FinTech hub (GFH 2018), có 7 trung tâm FinTech quốc tế và 23 trung tâm FinTech khu vực. Trong đó Trung Quốc có 4 trung tâm FinTech quốc tế và 6 trung tâm FinTech khu vực. Báo cáo này cũng xếp TPHCM vào trong danh sách 25 trung tâm FinTech mới nổi (emerging FinTech hub) của thế giới. Trong báo cáo GFH năm 2020, TPHCM xếp hạng 33/40 thành phố trên toàn cầu có ngành FinTech phát triển.
Khoảng 10 năm trở lại đây, FinTech – công nghệ tài chính đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính bằng cách thúc đẩy các dịch vụ và sản phẩm tài chính phát triển đột phá.
Ngày 3-6-2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tài chính – ngân hàng được xác định là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.
Chính vì thế, phát triển trung tâm công nghệ tài chính sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển trung tâm tài chính của TPHCM, trung tâm đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính – ngân hàng tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam
Từ hơn 40 công ty FinTech vào cuối năm 2016, đến nay, Việt Nam có khoảng 193 công ty hoạt động trong mảng FinTech ở các lĩnh vực khác nhau như: thanh toán, gọi vốn cộng đồng, blockchain, quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS, quản lý dữ liệu, cho vay, so sánh thông tin… Ngoài ra, trong hai năm gần đây đã có sự xuất hiện của mảng hoạt động mua trước trả tiền sau (buy now pay later) với 8 doanh nghiệp.
Trong số các công ty FinTech hoạt động ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam và có hơn 50% công ty có trụ sở tại TPHCM. Ngoài ra, có khá nhiều nhà đầu tư tham gia vào các công ty FinTech đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Anh, Pháp… và một số quốc gia lân cận như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Theo báo cáo của UOB (2021), tổng số tiền đầu tư vào FinTech ở khu vực ASEAN trong hai năm 2019 và 2020 lần lượt là 1,36 tỉ đô la và 903,65 triệu đô la. Riêng Việt Nam nhận được hơn 408 triệu đô la vốn đầu tư, cao hơn các quốc gia trong khu vực như Singapore (380 triệu đô la), Indonesia (181 triệu đô la).
Bên cạnh các công ty FinTech, Việt Nam cũng đã có các công ty phát triển công nghệ lâu đời trong nước như VNPT, Viettel, FPT, VNG và các công ty quốc tế như Grab, Intel, Samsung. Các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính như ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, trong đó các ngân hàng đều đã có sự hợp tác với các công ty FinTech. Ngoài ra, thị trường FinTech tại TPHCM cũng đã thu hút được một số tổ chức đầu tư mạo hiểm như IDG, Mekong Capital, Standard Charterd, Goldman Sachs… đổ vốn vào các doanh nghiệp FinTech.
Có 6 yếu tố quan trọng trong việc hình thành trung tâm công nghệ tài chính trên thế giới như: (i) cộng đồng khởi nghiệp FinTech sôi động; (ii) các công ty lớn năng động; (iii) tiếp cận vốn rủi ro; (iv) sự hỗ trợ chính trị và cơ quan quản lý “thân thiện”; (v) tiếp cận lao động chất lượng cao; (vi) xây dựng thương hiện trung tâm FinTech. Bảng 1, trình bày tóm tắt các điểm mạnh và điểm yếu theo 6 yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành trung tâm FinTech tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Dù còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhưng có thể thấy, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã có các tiềm năng để phát triển trung tâm công nghệ tài chính. Thúc đẩy phát triển trung tâm công nghệ tài chính sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM, đẩy mạnh chuyển đổi số ngành tài chính – ngân hàng tại TPHCM và Việt Nam và cũng là cách để xây dựng thương hiệu TPHCM như một trung tâm tài chính quốc tế.
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM