Thúc đẩy nguồn lực chất lượng từ tín dụng sinh viên

Thúc đẩy nguồn lực chất lượng từ tín dụng sinh viên

TP HCM có thể dùng ngân sách cấp bù rủi ro để mở rộng mô hình thí điểm chính sách chương trình tín dụng cho sinh viên, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố

PGS-TS Trần Hùng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu chính sách tín dụng sinh viên (SV) - nhấn mạnh đến lúc phải mở rộng nguồn vốn vay.

 

Nhu cầu bức thiết

* Phóng viên: Đề án về chính sách tín dụng cho SV ĐHQG TP HCM sẽ vận hành như thế nào trong bối cảnh TP HCM đang nghiên cứu nâng quy mô, tăng tầm vóc cho chương trình tín dụng SV?

 

Thúc đẩy nguồn lực chất lượng từ tín dụng sinh viên - Ảnh 1.
 

PGS-TS TRẦN HÙNG SƠN

 

- PGS-TS TRẦN HÙNG SƠN: Đề án về chính sách tín dụng cho SV ĐHQG TP HCM được xây dựng dựa trên Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, SV; Quyết định số 01/QĐ-QPT và Quyết định số 02/QĐ-QPT của Quỹ Phát triển ĐHQG TP HCM.

Thống kê từ các trường đại học trong vài năm gần đây, tỉ lệ SV có nhu cầu vay tín dụng học tập tăng mạnh, chiếm từ 10%-15% số lượng SV nhập học hằng năm. Tuy nhiên, chính sách cho vay tín dụng chưa đáp ứng hết nhu cầu. Hiện chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tín chấp, người đi vay không có tài sản bảo đảm, không phải là người trực tiếp sử dụng vốn vay… Thời hạn vay vốn khá ngắn, ảnh hưởng đến tính hiệu lực của chính sách tín dụng SV. Nhiều trường hợp SV ra trường chưa có việc làm là đã hết hạn hợp đồng vay.

Quy trình tín dụng được đánh giá là gây khó khăn, do mỗi hồ sơ phải qua 2 lần bình xét, phê duyệt. Riêng thủ tục bình xét đối tượng vay vốn tại địa phương có thể lên đến hàng tháng. Các cơ sở giáo dục chưa chủ động về hoạt động cấp tín dụng cho SV do khung pháp lý chưa rõ ràng. Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách vay tín dụng để mở rộng nguồn vay cho người học là vô cùng cần thiết để có những mô hình mới, phương thức mới phù hợp thực tiễn.

* Được biết ĐHQG TP HCM cũng đang triển khai quỹ hỗ trợ lãi suất cho tín dụng SV?

- Hiện chỉ có chính sách tín dụng giúp SV nghèo khó khăn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Quỹ Phát triển đã và đang hỗ trợ lãi suất đối với các SV thuộc diện chính sách này. Tuy nhiên, chính sách này có đối tượng áp dụng khá hẹp, hơn nữa bối cảnh xã hội hóa giáo dục, tăng quyền tự chủ cho các trường đại học thì học phí cũng tăng lên. Vì vậy vay tiền để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt là nhu cầu bức thiết của nhiều SV.

Để chương trình có thể triển khai rộng rãi, có lẽ cần đề án tín dụng cho sinh viên ĐHQG TP HCM hướng đến các mục tiêu cụ thể là xây dựng và ban hành một chính sách đồng bộ các văn bản pháp lý về xã hội hóa giáo dục, về tín dụng SV tại ĐHQG TP HCM và các trường đại học trên địa bàn TP HCM.

Hài hòa lợi ích các bên liên quan ĐHQG TP HCM, các đơn vị liên quan như ngân hàng, nhà tài trợ, SV… Huy động sự tham gia của xã hội vào chương trình tín dụng SV. Tổ chức, phối hợp và quản lý tốt hơn các loại hình tín dụng SV hiện nay để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu được tiếp cận tín dụng một cách minh bạch, hiệu quả.

* Nếu chương trình này được triển khai, SV sẽ có những lợi ích gì?

- Đề án chương trình này nếu được triển khai sẽ tạo thêm kênh tài chính cho người học với vai trò giảm bớt khó khăn trong quá trình học tập, đào tạo. SV có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp dùng chi trả học phí, mua sắm sách vở, chi phí ăn ở, đi lại…

Chính sách tín dụng SV ĐHQG TP HCM là mô hình thí điểm có thể phục vụ để thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện tốt cho những SV có điều kiện theo học đại học hoặc các chương trình cao hơn. Dù hoàn cảnh khó khăn SV vẫn có thể theo học các bậc học khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tạo nguồn tài chính học tập cho SV, đồng hành với lộ trình tự chủ đại học, theo đó học phí của các trường thành viên ĐHQG TP HCM và các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng hằng năm.

 

Thúc đẩy nguồn lực chất lượng từ tín dụng sinh viên - Ảnh 2.
 

Nhu cầu vay vốn học tập của sinh viên ngày càng cao

Ảnh: TẤN THẠNH

Bảo lãnh và bù rủi ro

* Để đề án triển khai hiệu quả, nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Nhu cầu tín dụng không chỉ tập trung ở các đối tượng chính sách (theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, hơn 50% có nhu cầu tín dụng) mà còn ở các đối tượng khác (kể cả hệ chất lượng cao). Do đó, cần mở rộng đối tượng SV thay vì chỉ tập trung vào SV có hoàn cảnh khó khăn. Phía SV, cần phải lập bảng kế hoạch học tập cho thấy mục đích vay là hợp lý, có lộ trình học tập rõ ràng và có khả năng hoàn trả đúng hạn. Để triển khai hiệu quả cần thu hút thêm nguồn tài trợ, có sự tham gia của các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tín dụng của SV.

* Muốn nâng quy mô, tầm vóc của chương trình, theo ông, có cần cơ chế đột phá giúp đề án chương trình triển khai sớm, hiệu quả và xứng tầm?

- Kết quả khảo sát ban đầu của tổ đề án nhóm nghiên cứu tại các trường thành viên ĐHQG TP HCM cho thấy nhu cầu vay vốn của SV ĐHQG TP HCM rất lớn, đến 10%. Tỉ lệ này có thể tăng lên nếu khảo sát thêm các trường đại học trên địa bàn TP HCM. Tuy nhiên, để đề án chương trình có thể triển khai đến các trường đại học tại TP HCM, cần quan tâm giải quyết những vấn đề đang vướng mắc.

Tổ đề án đề xuất cần có cơ chế đột phá, mang tính thí điểm cho TP HCM. Cụ thể, cơ chế đột phá cho TP HCM về tín dụng SV qua ngân hàng thương mại hoặc HFIC (Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM). Nhu cầu tín dụng học tập ở nhóm SV có hoàn cảnh đặc biệt hiện đã được giải quyết bởi Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ xã hội. Do vậy, cần có chính sách cho vay trực tiếp với đối tượng là SV.

Tín dụng SV có rủi ro lớn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành của Việt Nam, chưa có cơ chế hỗ trợ rủi ro này. Tham khảo kinh nghiệm từ các nước, con số vốn cho vay không thu hồi được lên đến 20% doanh số. Vì thế, chủ yếu nguồn vốn cho vay được cấp từ ngân sách cùng cơ chế cấp bù rủi ro. Để triển khai đề án trong thực tiễn, cần có vai trò bảo lãnh và hấp thụ rủi ro nợ xấu của TP HCM. Kiến nghị TP HCM bố trí nguồn ngân sách cấp bù rủi ro mất vốn. 

 Sinh viên đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng các trường đại học đang ngày càng tự chủ và tăng học phí theo lộ trình thì cần có các chính sách tín dụng phù hợp hơn để SV có thể tiếp cận được các gói vay tín dụng. Đặc biệt, các ngân hàng nên mở rộng đối tượng được vay để không những SV hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới được vay mà tất cả SV có nhu cầu vay vốn học tập đều có thể tiếp cận.

 

Học đại học là một hình thức đầu tư cho tương lai và SV đã đủ tuổi để tự chịu trách nhiệm về các khoản vay. SV khi ra trường, đi làm có thu nhập sẽ trả lại các khoản vay đó. Đó là cách tiếp cận hiện đại giúp SV có thể chủ động đầu tư cho việc học tập tốt nhất của mình. Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa hiện nay được điều chỉnh lên 4 triệu đồng/tháng đã khá tốt nhưng đối với một số ngành, trường hoặc chương trình nâng cao rất khó đáp ứng.


Cần có những chính sách linh hoạt về hạn mức cho vay phù hợp hơn với từng đối tượng, khu vực hoặc các trường hay các chương trình mà SV muốn theo học để phát triển tốt nhất bản thân, sau này đóng góp cho xã hội.

H.Lân


 Cần chính sách cho ngân hàng nhập cuộc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-3, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết hiện chủ yếu triển khai tín dụng cho SV qua hình thức cấp thẻ tín dụng (thực chất là cho vay tiêu dùng với lãi suất khá cao). Nay, nếu triển khai một chương trình tín dụng SV với quy mô lớn và lãi suất ưu đãi, cần chính sách cụ thể không chỉ về cấp bù lãi suất với sự đồng thuận của Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố mà cả sự tham gia của các trường.

"Nếu ngân hàng thương mại cấp tín dụng sẽ phải đúng quy định là đánh giá khả năng trả nợ của SV - mà điều này rất khó, phải thông qua khả năng trả nợ của bố/mẹ. Nếu hỗ trợ SV khởi nghiệp sẽ có các quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo... Riêng SV khó khăn đang áp dụng từ chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Do đó, nếu chỉ cấp vốn tín dụng thuần túy cho SV như khách hàng thông thường sẽ khó, vì vậy cần có cơ chế, chính sách cụ thể thì các ngân hàng mới tham gia được" - lãnh đạo một ngân hàng thương mại phân tích. 

THÁI PHƯƠNG thực hiện

https://nld.com.vn/thoi-su/thuc-day-nguon-luc-chat-luong-tu-tin-dung-sinh-vien