Công nghệ tài chính đang dần ‘lấn lướt’ ngân hàng truyền thống tại Việt Nam

Công nghệ tài chính đang dần ‘lấn lướt’ ngân hàng truyền thống tại Việt Nam


Công nghệ tài chính đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức và mô hình kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội mới cũng như áp lực mới cho các ngân hàng truyền thống tại Việt Nam.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam, trong đó có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay... Trong số đó, có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.


Hiện có hơn 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Ảnh: Fintech

Theo các chuyên gia, Fintech ở Việt Nam đang có xu hướng "lấn chiếm" thị phần bán lẻ của các ngân hàng truyền thống, khi mà hiện nay, dựa trên công nghệ tài chính, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử (Mobile wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-To-Peer transfer), thanh toán di động (Mobile payment), ngân hàng di động (Mobile banking), cho vay ngang hàng (Peer-To-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding), ngân hàng chuỗi khối (Blockchain banking), ngân hàng số (Digital banking). Nhờ có công nghệ tài chính, hoạt động cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền ảo, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam.

Với sự thay đổi này, các công ty Fintech có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tài chính truyền thống nhờ các sản phẩm và công nghệ tài chính sáng tạo hơn, cung cấp dịch vụ nhanh hơn hoặc tập trung phục vụ các phân khúc mà các tổ chức tài chính truyền thống chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, sự trỗi dậy của Fintech cũng kèm theo nhiều thách thức, trong đó có vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực… Ngoài ra, hệ sinh thái của công nghệ tài chính mới chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng.

Trước vấn đề này, Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019) với chủ đề: Định hình tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech, sẽ được Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) phối hợp cùng Fintech Academy Singapore (FTA), Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (VNUHCM-IBT) tổ chức vào ngày 30 và 31/10/2019 tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài chủ đề chính là “Định hình tương lai Fintech Việt Nam”, hội thảo còn có 6 chuyên đề đa dạng chia sẻ: Xu thế phát triển, vai trò và tác động của FinTech đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay; FinTech và sự thay đổi của công nghệ, dịch vụ thanh toán; ML và AI trong thị trường Fintech, Chatbot, Bootrom; FinTech và vấn đề an toàn bảo mật thông tin; FinTech và Đột phá khởi nghiệp; Fintech và Nguồn nhân lực.

Hội thảo sẽ là sự kiện để các công ty công nghệ, các công ty công nghệ tài chính, các ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam. Đây là năm đầu tiên VIO 2019 tổ chức có sự tham gia báo cáo của các diễn giả, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Fintech, bảo mật, công nghệ đến từ Singapore, HongKong (Trung Quốc), Trung Quốc, Nga, Việt Nam… trong mỗi phiên hội thảo chuyên đề.

Hải Yên/Báo Tin tức