Đánh giá chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam




(ĐTCK) Việc ứng dụng công nghệ để cải tiến hay đổi mới sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (thường gọi là số hóa các hoạt động ngân hàng) không chỉ mới xuất hiện gần đây, mà đã diễn ra từ hơn nửa thế kỷ trước. 

Từ thực tiễn thế giới…

Ðầu tiên phải kể đến sự ra đời máy ATM vào năm 1967 và Barclays (Anh) là ngân hàng đầu tiên lắp đặt máy ATM trước cửa chi nhánh của mình tại London.

Năm 1973, mạng lưới thanh toán SWIFT được thành lập thông qua sự hợp tác giữa các ngân hàng và chính phủ các nước. Hàng loạt ngân hàng đã đầu tư mạnh vào hệ thống máy tính để ghi nhận và xử lý các giao dịch ngân hàng, nhờ đó giảm thiểu sai sót và cắt giảm chi phí.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng trở nên nhanh nhạy và hiểu biết khách hàng hơn nhờ việc phân tích số liệu thu thập được từ hệ thống máy tính.

Giai đoạn 1980-2000 cũng là giai đoạn mà các công ty thương mại điện tử như Amazon và eBay ra đời, thúc đẩy các hoạt động thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng trưởng tương đối chậm và chỉ thực sự bùng nổ khi Internet trở nên phổ biến.

Mô hình ngân hàng trực tuyến (online banking) đầu tiên xuất hiện vào năm 1983 tại Mỹ và ngay sau đó là tại Pháp, Anh với giao diện giản đơn, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản nhất như chuyển tiền, truy vấn tài khoản và thanh toán hóa đơn điện nước.

Ở giai đoạn kế tiếp từ năm 2000 đến nay, mô hình ngân hàng di động (mobile banking) ra đời nhờ vào sự phát triển của công nghệ Internet không dây và điện thoại thông minh.

Công nghệ tài chính phát triển mạnh vào cuối những năm 2010 dẫn đến việc xuất hiện các mô hình kinh doanh mới như ngân hàng mở (open banking), ngân hàng trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain banking).

… Đến Việt Nam

Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số của các ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ trong 3 năm gần đây, thể hiện qua việc phát triển các sản phẩm mới.

Ðầu năm 2017, TPBank ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank. Ðầu năm 2018, OCB ra mắt ứng dụng OCB OMNI.

Tháng 9/2018, VPBank ra mắt ứng dụng ngân hàng số Yolo sau mô hình ngân hàng số Timo.

MBBank cho phép khách hàng chuyển tiền qua ứng dụng Facebook và tạo ra một kênh giao tiếp mới với khách hàng trẻ qua ứng dụng eMBee fanpage.

BIDV đưa ra thị trường sản phẩm BUNO - chuyển tiền chỉ với số điện thoại của người nhận, không cần nhớ số tài khoản.

Kể từ khi ra mắt Không gian giao dịch công nghệ số - Vietcombank Digital Lab vào năm 2016, thì đến năm 2019, Vietcombank cũng đặt việc phát triển ngân hàng số là chiến lược trọng tâm.

Xu hướng phát triển sản phẩm mới được hỗ trợ bởi chiến lược đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin nghiêm túc trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong các năm qua, các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư mạnh cho hệ thống ngân hàng lõi (core banking) và tăng một phần hoặc toàn bộ tỷ trọng tự động hóa trong quy trình hoạt động.

Theo đó, các sản phẩm mới cùng với những cải tiến trong chất lượng dịch vụ đón nhận những dấu hiệu tích cực khi tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm số của ngân hàng tăng lên đáng kể (xem bảng 1).


Mặc dù xu hướng chuyển đổi số là tất yếu trong nền kinh tế, nhưng có sự chênh lệch trong mức độ đầu tư và thành công trong mảng công nghệ thông tin của các ngân hàng.
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin 2017, các ngân hàng có xu hướng tập trung cải thiện ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cấp core banking, tăng mức độ tự động hóa, nhưng có sự giảm sút trong triển khai các ứng dụng cơ bản quản lý quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro, chữ ký số.

Dịch vụ Internet Banking dành cho khách hàng cá nhân (tra cứu, chuyển khoản…) ngày càng phổ biến, song mức độ tăng không nhiều do mức bão hòa cao, trong khi dịch vụ này cho khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn.

Có thể thấy rõ mức độ chênh lệch về đầu tư vào mảng công nghệ thông tin của các ngân hàng qua bảng Xếp hạng ICT của các ngân hàng thương mại Việt Nam (bảng 2).


Ba giai đoạn phản ứng trong quá trình chuyển đổi số

Thực tế, sự chuyển đổi số của ngân hàng phụ thuộc vào mức độ phát triển của ngân hàng và việc ngân hàng định vị chính mình trong hệ sinh thái mới, với ba giai đoạn phản ứng trong quá trình chuyển đổi.

Thứ nhất, phản ứng với hình thức cạnh tranh mới: Ở giai đoạn ban đầu này, các ngân hàng phản ứng với sự thay đổi trong cung, cầu dịch vụ tài chính bằng cách phát triển các kênh (tập trung vào các thiết bị di động) và sản phẩm số mới (tập trung vào các thanh toán bán lẻ) để định vị bản thân trong môi trường cạnh tranh mới.

Thứ hai, thích ứng công nghệ: Giai đoạn thứ hai trong quá trình số hóa ngân hàng bao gồm việc thực hiện các thay đổi chuyên sâu nền tảng công nghệ nhằm chuyển đổi các nền tảng này thành cơ sở hạ tầng linh hoạt, theo module, phép đồng bộ các công nghệ mới, cũng như tăng tốc độ phát triển các sản phẩm mới.

Thứ ba, chiến lược định vị: Các tổ chức tài chính có mức độ chuyển đổi số phát triển nhất sẽ cố gắng tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư lớn vào công nghệ bằng cách áp dụng các chiến lược số nhằm thay đổi sâu rộng cơ cấu tổ chức của mình.

Hiện tại, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu đang ở giai đoạn 1, nhưng đã có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Trong đó, nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước (VCB, BIDV, VietinBank) với lợi thế vốn có về nguồn vốn đã mạnh tay đầu tư nhằm thích ứng với công nghệ (giai đoạn 2).

Với ngân hàng tư nhân, Techcombank đã đầu tư 300 triệu USD cho hạ tầng công nghệ thông tin.

Ðược nhìn nhận là ngân hàng sở hữu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, Techcombank duy trì chương trình miễn phí tất cả giao dịch của khách hàng cá nhân qua kênh điện tử trong vài năm gần đây. ACB đang đầu tư mỗi năm 300-350 tỷ đồng để chuyển đổi ngân hàng bán lẻ truyền thống thành ngân hàng số.

Tóm lại, những phân tích trên cho thấy xu hướng đầu tư nghiêm túc của các ngân hàng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và đã ghi nhận những thành công bước đầu với sự đón nhận tích cực của khách hàng, cho dù quá trình này đòi hỏi chi phí rất lớn và các khoản đầu tư cho việc chuyển đổi có thể chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn.

Trong một giai đoạn nhất định của quá trình chuyển đổi số, các ngân hàng có mức độ chuyển đổi cao có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ khác biệt và nhờ đó tạo ra các khoản lợi nhuận lớn.

Việc đạt được mức chi phí thấp hơn trong ngắn hạn và tạo ra lợi nhuận cao hơn trong trung - dài hạn phụ thuộc vào lựa chọn đúng đắn khi đầu tư chuyển đổi số, nỗ lực và thái độ của chính ngân hàng trước các thay đổi.

TS. Nguyễn Thanh Liêm - TS. Trần Hùng Sơn, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật