Sự phát triển và những tác động của FinTech
Công nghệ tài chính, hay FinTech, đề cập đến những đổi mới tài chính được thúc đẩy bởi sự tiến bộ công nghệ trong các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ tài chính mới và các phần mềm, ứng dụng mới có tác động lớn đến việc cung cấp dịch vụ tài chính cũng như sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.
Ðến nay, sự tích hợp của công nghệ và tài chính trên thế giới đã trải qua ba giai đoạn. Ðầu tiên là giai đoạn công nghệ thông tin tài chính, cụ thể là số hóa thông tin trong ngành tài chính. Thứ hai là giai đoạn tài chính Internet, có sự kết hợp và kết nối của các sản phẩm khác nhau của các doanh nghiệp tài chính như quản lý tài sản, giao dịch, thanh toán và tài trợ trên nền tảng Internet hoặc thiết bị di động.
Giai đoạn 3 là sự tích hợp trên thực tế của tài chính và công nghệ. Ở giai đoạn này, FinTech tập trung vào việc sử dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo (AI) và blockchain để thay đổi cách thức thu thập thông tin tài chính truyền thống, mô hình định giá rủi ro, quy trình ra quyết định đầu tư và vai trò truyền thống của các trung gian tài chính.
Với sự phát triển nhanh ở giai đoạn 3, FinTech đang làm thay đổi hệ sinh thái của ngành tài chính và đổi mới tài chính là xu hướng không thể đảo ngược. Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng kinh doanh của FinTech rất đa dạng và ngày càng trở nên phức tạp. Cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động, các mô hình này cũng mang lại nhiều bất trắc và rủi ro.
Các vấn đề như rủi ro tài chính và các quy định không phù hợp dần xuất hiện. Việc sử dụng FinTech có thể không giúp giảm thiểu rủi ro vốn có trong hệ thống tài chính, mà thay vào đó, nó có thể khuyếch đại hoặc tạo ra các hình thức rủi ro tài chính mới.
Ví dụ trường hợp trung gian thanh toán của bên thứ ba, các tổ chức thanh toán trực tuyến thường có đòn bẩy tài chính cao hơn các ngân hàng truyền thống. Do đó, đảm bảo an toàn vốn sẽ là một vấn đề đối với các công ty FinTech, đặc biệt đối với những người thực sự chịu rủi ro tài chính. Ngoài ra, các đổi mới của FinTech có xu hướng chịu rủi ro tuân thủ và rủi ro hoạt động.
Các công ty FinTech thường chạy đua để tung ra các sản phẩm sớm hơn so với các công ty cùng ngành nhằm đạt được hiệu ứng mạng. Chế độ thử và sai của việc đổi mới của các FinTech dẫn đến việc các doanh nghiệp tung ra thị trường các sản phẩm chưa hoàn thiện. Hiệu ứng mạng có xu hướng biến những rủi ro nhỏ thành rủi ro lớn hơn, gây tổn thất tài chính lớn hơn và dẫn đến các rủi ro hoạt động và các vấn đề về tuân thủ.
Do đó, các cơ quan quản lý và người tham gia cần có hiểu biết sâu sắc về bản chất của FinTech và xem xét kỹ lưỡng nhiều khía cạnh, phạm vi ứng dụng của FinTech. Ngoài ra, làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa đổi mới và phòng ngừa, kiểm soát rủi ro là vấn đề lớn nhất mà FinTech phải đối mặt.
Cơ chế quản lý thử nghiệm
Do tính mở và đặc tính công nghệ cao của FinTech, rủi ro tài chính, đặc biệt là rủi ro của hệ thống công nghệ thông tin và rủi ro vận hành khó phát hiện hơn, đồng thời rủi ro hệ thống và rủi ro mang tính chu kỳ trở nên phức tạp hơn.
Cơ chế “Quản lý thử nghiệm - Supervisory sandbox” có thể là một công cụ hiệu quả để tạo thuận lợi cho việc áp dụng FinTech. Lý do chính của việc ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm là để các cơ quan quản lý hỗ trợ đổi mới dịch vụ tài chính bằng cách hợp tác với ngành nhằm hiểu rõ hơn về động lực thị trường của FinTech.
Cơ chế quản lý thử nghiệm cho phép các tổ chức tài chính hoặc công ty khởi nghiệp công nghệ thực hiện thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm tài chính mới, mô hình tài chính và thủ tục kinh doanh trong một khoảng thời gian và phạm vi nhất định để thúc đẩy đổi mới tài chính và phát triển FinTech.
Thực tế, cơ chế quản lý thử nghiệm có thể hạ thấp các rào cản cho sự đổi mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực FinTech. Ví dụ, báo cáo của Accenture, trong đó phân loại các công ty khởi nghiệp FinTech là đối thủ cạnh tranh (thách thức trực tiếp với các tổ chức dịch vụ tài chính truyền thống) hoặc hợp tác (những công ty cung cấp các cách thức để nâng cao vị thế của các bên tham gia trên thị trường hiện tại) cho thấy, dự án đổi mới của Cơ quan Kiểm soát tài chính Anh (FCA) đã hạ thấp các rào cản gia nhập cho các công ty FinTech mang tính cạnh tranh.
Nhìn chung, chế độ quản lý thử nghiệm giữa các quốc gia là khá tương đồng, dù cơ chế quản lý thử nghiệm có thể khác nhau. Ðiều quan trọng là thiết kế cơ chế quản lý thử nghiệm đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và đổi mới.
Từ kinh nghiệm của FCA - cơ quan quản lý đầu tiên đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm, có hai thách thức trong việc thiết kế và vận hành cơ chế quản lý thử nghiệm: tạo ra cơ chế quản lý làm giảm các rào cản để thử nghiệm trong khuôn khổ quy định hiện hành; đảm bảo rằng rủi ro từ việc thử nghiệm các giải pháp mới không được chuyển từ doanh nghiệp sang người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, ngày 16/3/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 382 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực FinTech của Ngân hàng Nhà nước nhằm xây dựng cơ chế quản lý, hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FinTech ra đời và phát triển. Hiện tại, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của FinTech mới chỉ đáp ứng đối với các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ trong lĩnh vực thanh toán (các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán).
Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Ðề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động FinTech trong ngân hàng và nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
Một vấn đề đặt ra là khi cơ chế quản lý thử nghiệm được ban hành và có hiệu lực sẽ có những ảnh hưởng pháp lý đối với đối với các doanh nghiệp FinTech, nghĩa là các doanh nghiệp không nằm trong phạm vi của cơ chế quản lý thử nghiệm có thể tiếp tục hay phải ngừng hoạt động.
Việc xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm có thể phát sinh cơ chế xin - cho, theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định doanh nghiệp nào thuộc phạm vi của chế quản lý thử nghiệm và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp FinTech.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng cơ chế thử nghiệm và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý FinTech, cần có sự đối thoại mở giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực FinTech và giới nghiên cứu để có thể xác định sớm các chức năng mới của FinTech nhằm có các quy định phù hợp.
Số lượng doanh nghiệp FinTech tại Việt Nam đã tăng từ hơn 40 vào cuối năm 2016 lên khoảng 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như: thanh toán, gọi vốn cộng đồng, blockchain, quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS, quản lý dữ liệu, cho vay, so sánh thông tin…
Mới đây, trước những hoạt động biến tướng và vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng của một số doanh nghiệp kinh doanh cho vay ngang hàng, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo người dân và các tổ chức tín dụng nên thận trọng khi tham gia mô hình này.
Thực tế trên đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp FinTech nhằm bảo vệ nhà đầu tư, tính toàn vẹn của thị trường và đảm bảo ổn định tài chính.
|
TS. Trần Hùng Sơn, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM; giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế - Luật