Hiểu hàm ý về sự bất định chính sách kinh tế là rất quan trọng
Trần Hùng Sơn (*)
(KTSG) – Sự bất định về chính sách kinh tế (economic policy uncertainty – EPU) có nguồn gốc từ sự bất định của lạm phát, tăng trưởng kinh tế âm, khủng hoảng tài chính, cắt giảm cho vay bất thường, đại dịch, sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp, biến động ngoại hối và những thay đổi bất ngờ trong chính sách tiền tệ.
EPU có thể biểu hiện dưới dạng những thay đổi bất ngờ trong chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách điều tiết, và nó chủ yếu xuất phát từ việc liệu các chính sách hiện tại có thay đổi trong tương lai hay không. Sự bất định về chính sách kinh tế mô tả những tác động chưa biết của các chính sách mới đối với nền kinh tế và khu vực tư.
Sự bất định về chính sách kinh tế là một chủ đề “nóng” trong lĩnh vực tài chính. Hiểu được hàm ý của sự bất định về chính sách kinh tế đối với hệ thống kinh tế và tài chính là rất quan trọng, vì nó có thể cho biết sự bất định về các chính sách kinh tế của chính phủ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân như thế nào. Bảng 1 tóm tắt các ảnh hưởng của sự gia tăng bất định về chính sách kinh tế đến kinh tế và hệ thống tài chính.
Chỉ số bất định kinh tế trong bài viết này được thu thập từ bộ chỉ số World Uncertainty Index do Ahir và các cộng sự xây dựng. Hình 1 thể hiện chỉ số bất định kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn từ quí 1-1997 đến quí 3-2022.
Có thể thấy chỉ số bất định kinh tế của Việt Nam tăng cao kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, để hỗ trợ nền kinh tế trong nước trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng trong năm 2009. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng của lạm phát trong ngay trong quí 1-2010, vì vậy Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 xác định tập trung nỗ lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 8-2010, khi lạm phát được kiềm chế và bắt đầu suy giảm thì trong điều hành vĩ mô xuất hiện một số dấu hiệu xem nhẹ nguy cơ lạm phát cao, dẫn đến việc gia tăng lạm phát trở lại trong thời gian sau đó trong năm 2010. Bất ổn của lạm phát làm gia tăng chỉ số bất định của chính sách kinh tế trong quí 3-2010.
Trước sự tăng mạnh của lạm phát trong năm 2010, 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, một số vấn đề về tài chính tiền tệ cũng đã xuất hiện trong giai đoạn này và có các ảnh hưởng về sau đó là:
– Chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm tăng trưởng cung tiền, huy động và tín dụng giảm mạnh.
– Thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao.
– Lãi suất cho vay tăng vọt.
– Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng.
– Vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng gia tăng.
– Thị trường tài sản (thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản) sụt giảm mạnh.
Trong giai đoạn 2011-2014, là giai đoạn có nhiều biến động, nhất là các vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Chẳng hạn, NHNN ước tính nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng là 8,82%, trong khi đó Fitch ước tính tỷ lệ nợ xấu Việt Nam năm 2012 là 13% trên tổng dư nợ, nhiều hơn số liệu các ngân hàng thương mại công bố. Trong giai đoạn này, chỉ số bất ổn chính sách kinh tế Việt Nam đạt đỉnh điểm vào quí 3-2014.
Các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã cho thấy các tác động bất lợi của sự bất định chính sách kinh tế đến hệ thống tài chính sẽ lan truyền sang nền kinh tế thực, hậu quả là làm giảm đầu tư, giảm tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Kể từ sau năm 2014, sau một thời gian suy giảm và ổn định ở mức thấp, chỉ số bất định chính sách kinh tế tại Việt Nam đã có sự gia tăng trở lại trong quí 4-2020 và quí 2-2021. Sự gia tăng này có thể được giải thích là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vào quí 2-2022, chỉ số bất định chính sách kinh tế của Việt Nam đã tăng trở lại gần bằng với thời điểm của quí 3-2010. Sự gia tăng trở lại của chỉ số này có thể được giải thích là do các tác động từ bên ngoài như sự gia tăng của lạm phát trên toàn cầu, chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gây áp lực lên tỷ giá.
Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (xử lý lãnh đạo doanh nghiệp phát hành trái phiếu) và điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không phát hành trái phiếu để huy động vốn được. Sự ảnh hưởng này, theo một số chuyên gia, là do đã xảy ra khủng hoảng niềm tin trên thị trường và dẫn đến sự suy kiệt thanh khoản của hệ thống tài chính. Thị trường tiền tệ cũng đã xảy ra vấn đề về thanh khoản, chẳng hạn như sự tăng vọt của lãi suất liên ngân hàng (có thời điểm lên đến hơn 10%) kể từ khi xảy ra sự việc Ngân hàng SCB. Các ngân hàng lớn hạn chế cho vay trên thị trường liên ngân hàng và chỉ mua tín phiếu của NHNN. Điều này tạo ra một rủi ro cho thị trường. Thị trường cổ phiếu cũng tương tự khi giá trị giao dịch sụt giảm 4-5 lần so với lúc cao điểm.
Các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã cho thấy các tác động bất lợi của sự bất định chính sách kinh tế đến hệ thống tài chính sẽ lan truyền sang nền kinh tế thực, hậu quả là làm giảm đầu tư, giảm tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Do đó, để giảm sự bất định của chính sách kinh tế, các chính sách kinh tế cần đảm bảo tính minh bạch, thông suốt, nhất quán và khả thi. Đây cũng là hàm ý quan trọng cho Việt Nam trong việc xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế.
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
https://thesaigontimes.vn/hieu-ham-y-ve-su-bat-dinh-chinh-sach-kinh-te-la-rat-quan-trong