Công bố "Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh Quý IV.2022"

BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH QUÝ IV.2022

NHỮNG CON SỐ KỂ CHUYỆN

 

Báo cáo lần này dành dung lượng để chép lại lịch sử, qua lời kể khách quan của những con số. Để rồi, có thể, vào một ngày giả định, thế hệ tương lai nhìn ngược về quá khứ, có thể cảm nhận được, sự thịnh vượng ở tương lai, đã được đặt nền móng từ lịch sử và dưỡng nuôi không ngừng dù Thành phố đối diện vô vàn khó khăn.

 

Đà phục hồi ở các quý trước bị gãy nghiêm trọng ở quý IV. Quý III xác lập đỉnh tăng trưởng, Quỹ IV xác lập đáy của năm 2022. Kinh tế Thành phố dù có cải thiện sau sốc Covid-19 nhưng sức khỏe chưa bằng được với lịch sử từng có ở 2019. Những vấn đề của nhiều năm về trước cùng lúc gây ảnh hưởng tiêu cực ở 2022. Thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng, lần đầu đảo chiều trong lịch sử, kéo theo thị trường trái phiếu ngả rạp như đám mạ non đầu mùa gặp dông lớn. Cũng theo đó, Ngân sách lần đầu ghi nhận hụt nghiêm trọng thu từ sử dụng đất, so với kế hoạch. Dòng vốn quay quắt trong cuộc đua dành thị phần giữa các định chế tài chính trong khi quy mô vốn bơm vào nền cải thiện không đáng kể. Tỷ giá – lãi suất - xuất khẩu – sản xuất – nhập khẩu – tiêu dùng, cuộc vận động cuốn theo vòng xoáy ốc, như cơn lốc xói mòn, gây thiệt hại không phân biệt từ hoạt động sản xuất đến tiêu dùng và đầu tư. Hậu quả, tổng cầu nội địa dùng dằng chỉ ở mức 80% so với 2019, công nghiệp sụt giảm trên diện rộng, du lịch vẫn chìm sâu như giai đoạn có dịch. Những rực rỡ của Quý III đã dừng lại, Quý IV nghịch mùa.

 

Triển vọng 2023 không có nhiều điểm sáng. Vết trượt từ Quý IV.2022 dự kiến còn dài đến hết quý I.2023. Tất cả các dự báo dù độc lập hay liên ngành cũng phát cùng tín hiệu về sự xuất hiện của sốc kinh tế vào quý I.2023. Hoạt động kinh tế ngoại thương vẫn là điểm lặng, điểm lùi; trong khi đó lực đẩy phát triển từ bên trong rất khó kiến tạo trong ngắn hạn. Các nguồn lực để hỗ trợ phát triển, chưa thể giải phóng bởi chính hành lang pháp lý và khuôn khổ quản trị. Trong bối cảnh này, cái giá để đảm bảo tăng trưởng và mở rộng, trở nên “đắt đỏ” hơn bất cứ lúc nào. Vì vậy, cần lựa chọn để ưu tiên phát triển.


Chuẩn bị và dưỡng nguồn lực để đón sóng phục hồi, thích ứng và tiết kiệm có lẽ nên là trọng tâm trong 2023, đặc biệt phù hợp với nền kinh tế quy mô nhỏ nhưng mở cửa gần như hoàn toàn của Thành phố. Theo cách đó, và với điều kiện cộng lực được cả từ khối công lẫn tư, có thể, pha sụt giảm rút ngắn và đẩy dài pha tăng trưởng của chu kỳ kinh tế mới, dự báo nếu may mắn có thể đến sớm vào cuối quý II.2023.


Nhóm nghiên cứu đánh giá sự sụt giảm lần này, nghiêm trọng hơn so với những gì đã diễn ra trong giai đoạn có dịch Covid-19. Theo đó, nhóm mạnh dạn đề xuất tiếp tục kéo dài tới hết năm 2023 các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn dịch Covid-19, đặc biệt, chính sách giảm 2% VAT.
Dẫu chịu bủa vây trong khó khăn, Chính quyền, doanh nghiệp, người dân vẫn quyết liệt và cần mẫn tháo gỡ. Những công việc vẫn tiến dần hướng về đích, như những nốt son nhỏ lặng lẽ điểm tô, gieo lạc quan và kỳ vọng cho năm mới 2023 đang đến gần.

 

Ấn phẩm “Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh quý IV.2022” trình bày tóm tắt những thông điệp nêu trên. Với tính chất của nghiên cứu “bám đuổi”, nhóm nghiên cứu luôn chịu áp lực phải đi trước, nhìn nhận phán đoán và bám đuổi để quan sát và chứng minh trong bối cảnh thực tiễn diễn biến rất khó lường. Theo đó Báo cáo khó lòng tránh được các thiếu sót. Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật rất mong nhận được các ý kiến phản biện thiện chí, các góp ý xây dựng từ độc giả để cùng nhau nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, cùng nhau phụng sự cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn./.

Qúy độc giả vui lòng tải tài liệu tại đây.