Ứng dụng AI để đối phó với lừa đảo trực tuyến

Ứng dụng AI để đối phó với lừa đảo trực tuyến

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đối phó với lừa đảo qua mạng là một trong những giải pháp hàng đầu mà các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực triển khai.

Toàn cảnh phiên thảo luận Nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Toàn cảnh phiên thảo luận Nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
 
Trong bối cảnh tình hình gian lận thanh toán số đang gia tăng đáng kể và gây thiệt hại nặng nề, việc ứng dụng AI được kỳ vọng sẽ giúp phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả các hành vi lừa đảo. Thông tin trên được nhiều diễn giả thảo luận tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt", do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, Sở Công Thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 14-6 tại TP.HCM. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024".

Việt Nam: Điểm nóng của lừa đảo trực tuyến

Theo PGS.TS Trần Hùng Sơn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số.

PGS.TS Trần Hùng Sơn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐHQG TP.HCM) - trình bày tham luận Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

PGS.TS Trần Hùng Sơn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐHQG TP.HCM) - trình bày tham luận Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tỉ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%). Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển chỉ ghi nhận tỉ lệ thiệt hại rất thấp như Bỉ, Ireland (0,1%) hay Hà Lan (0,2%).

Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất... Đáng chú ý, tỉ lệ các vụ lừa đảo được xác nhận tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 5 điểm phần trăm trong năm 2023, lên mức 54%.

Để đối phó với tình trạng gian lận gia tăng, PGS.TS Trần Hùng Sơn đề xuất các ngân hàng và doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng AI và máy học để phát hiện gian lận được xem là một phương pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả.

Thông qua các thuật toán thông minh, hệ thống AI có thể liên tục phân tích hành vi giao dịch, nhận diện các dấu hiệu bất thường và đưa ra cảnh báo kịp thời cho đơn vị vận hành cũng như khách hàng. Bằng cách "học hỏi" liên tục từ dữ liệu, AI ngày càng trở nên thông minh hơn trong việc phát hiện các hình thức gian lận mới.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin gian lận giữa các bên liên quan. Các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần chủ động hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về gian lận, đồng thời thống nhất quy trình xử lý chung. Việc hoàn thiện hệ thống định danh số cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa gian lận trong thanh toán.

Sự phát triển của các hình thức thanh toán số mới cũng là một thách thức đặt ra cho công tác bảo mật. Vì vậy, cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số và ngăn ngừa rủi ro gian lận.

Không kém phần quan trọng, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo mật cho người dùng là việc cần được chú trọng để góp phần ngăn chặn lừa đảo khi mà ứng dụng di động ngày càng trở thành mục tiêu ưa thích của kẻ gian......

Chi tiết tại đây